Giai đoạn từ 2011 – 2022, thị trường bất động sản trải qua nhiều cung bậc cảm xúc và nhiều thành tựu vượt bậc đã được ghi nhận. Song, sau giai đoạn phát triển nóng, đến nay thị trường bước vào thời khắc điều chỉnh, thanh lọc.
Nhìn lại quá khứ, giai đoạn 2011 – 2013, thị trường bất động sản rơi xuống vực thẳm khi nguồn vốn – nhựa sống của doanh nghiệp bị thắt chặt từ phía các ngân hàng, cùng đó lãi suất cho vay lên tới 21 – 25%/năm. Nhiều dự án chậm tiến độ, thậm chí phải bán tháo hàng loạt vì không còn vốn, khó triển khai. Không ít các doanh nghiệp phải tái cấu trúc cả về số lượng dự án, quy mô dự án và giá thành sản phẩm dự án.
Lực cầu suy giảm trầm trọng khiến giỏ hàng tồn kho ngày càng phình to. Sự đáng sợ ở giai đoạn này là hiệu ứng đổ vỡ domino, các khu đô thị bỏ hoang từ đó cũng được hình thành và hành trình phá sản của không ít các doanh nghiệp bất sản bắt đầu.
Bên cạnh đó, giá bất động sản trong thời gian này liên tục lao dốc. Trong một báo cáo gửi tới Quốc hội vào tháng 11/2013, Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, theo khảo sát của các cơ quan chức năng, giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008-2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006.
Nguyên nhân dẫn tới sự đổ vỡ này, do việc đầu tư được triển khai tràn lan nhưng không nắm được nhu cầu sử dụng của thị trường. Vì vậy, các sản phẩm bất động sản phát triển hầu hết bị đẩy giá quá cao, dẫn tới không tiêu thụ được. Từ đó, tình trạng nợ xấu ngày càng tăng cao do các dự án không có doanh thu.
Thời điểm đó, khi nói về thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM nhấn mạnh: “Thị trường bất động sản hiện nay gói gọn trong cụm từ ‘3 dở dang, 3 sụt giảm’. Cụ thể, 3 dở dang đó là dự án dở dang, công trình dở dang và đền bù dở dang; còn 3 sụt giảm là giá sụt giảm, giao dịch sụt giảm và sức mua sụt giảm”.
Với nỗ lực phục hồi thị trường bất động sản, liên tục các chính sách, giải pháp được đề xuất. Đáng chú ý, tháng 3/2013 gói hỗ trợ đặc biệt 30.000 tỷ đồng được ra đời, nhằm phát triển nhà ở xã hội, cho người mua nhà được vay với mức lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó là tháo gỡ cho các doanh nghiệp được biến đổi sản phẩm không phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Giai đoạn 2014 – 2018, Nhà nước đã mở ra nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục. Theo đó, giao dịch bất động sản tăng mạnh trở lại, nguồn cung cũng bùng nổ.
Đồng thời, ở giai đoạn này, thị trường xuất hiện nhiều dòng sản phẩm mới như condotel, officetel, biệt thự nghỉ dưỡng,…tạo nên cú đột phá cho thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Từ cuối năm 2019 – 2021, Covid – 19 nổ ra, tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế, trong đó có bất động sản. Theo đó, công tác triển khai, mở bán, ra mắt dự án mới phải dừng hoặc lùi vô thời hạn, khiến nguồn cung sụt giảm mạnh.
Cũng trong năm 2021, thị trường bất động sản đón hàng loạt cơn “sốt đất” trên diện rộng. Số lượng các nhà đầu tư bất động sản tham gia thị trường tăng cao chưa từng có, tỷ lệ thuận với số lượng nhà đầu tư chứng khoán. Bên cạnh đó, trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu nở rộ, trong đó, bất động sản chiếm tới 27,7% tổng khối lượng phát hành.
Theo đó, giá bất động sản bị đẩy lên quá cao, không phù hợp với sức chi trả của người dân. Từ đó, dẫn tới việc rất nhiều sản phẩm bất động sản không thể tiêu thụ. Do vậy, về mặt khách quan, thị trường phải bước vào giai đoạn điều chỉnh.