Giấc mơ thành phố sông Hồng

Ngày 1/4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính tr...


Ngày 1/4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; Bộ Chính trị thống nhất ban hành nghị quyết mới về phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong sự phát triển ấy của Thủ đô Hà Nội, vấn đề nhận được rất nhiều quan tâm chính là phát triển thành phố dọc hai bên bờ sông Hồng.

Giấc mơ thành phố sông Hồng

Mùa hoa lau bên sông Hồng.

Gần 30 năm trước, người Hà Nội đã đặt nhiều kỳ vọng vào “thành phố mới đôi bờ sông Hồng”. Kỳ vọng ấy liên quan tới “kỳ tích sông Hàn” của người Hàn Quốc, khi chính giới đầu tư và Thị trưởng Seoul lúc bấy giờ đặt vấn đề hợp tác với Hà Nội. Nhưng rồi, thời gian trôi qua, nói một cách hình ảnh như nhiều người là “gió vẫn thổi lồng lộng theo triền sông, còn đô thị mới thì vẫn chẳng thấy đâu”.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Mới đây, vấn đề quy hoạch, xây dựng hai bên bờ sông Hồng đoạn chảy qua nội thành Hà Nội đã trở lại, mang theo niềm hy vọng mới. Theo đó, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cho phép nhà cửa ở khu vực đê tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng được bảo tồn, xây dựng mới để cải thiện cuộc sống cho người dân. Cùng đó, khu vực bãi sông được quy hoạch xây dựng 6 khu đô thị mới.

Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000, Hà Nội chấp thuận những nội dung quan trọng, gắn liền với sinh kế mà người dân hết sức quan tâm.

Cụ thể, các khu vực dân cư hiện có ở bãi sông thuộc 4 quận trung tâm: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng (trừ một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn) sẽ được tồn tại, bảo vệ. Các khu vực này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất và phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đáng chú ý, quy hoạch cho phép được sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân cư nằm rải rác gần khu vực với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có. Các khu vực bãi sông nơi chưa có công trình xây dựng thuộc Đông Dư – Bát Tràng; Kim Lan – Văn Đức, Hoàng Mai – Thanh Trì có thể nghiên cứu để khai thác sử dụng cho phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng công trình, nhà ở mới theo quy định tại khoản 3, Điều 26 Luật Đê điều; diện tích xây dựng không vượt quá 5% diện tích bãi sông.

Từ năm 1994, Hà Nội đã bắt đầu phối hợp với các đơn vị nước ngoài để lập quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội. Tuy nhiên, quy hoạch gặp nhiều vướng mắc đến đê điều, hành lang thoát lũ, các quy hoạch ngành liên quan… Như vậy, cho tới gần 30 năm sau, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng mới được chính thức phê duyệt.

Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, đây là cơ sở, căn cứ pháp lý để thành phố xây dựng thành phố hai bên sông Hồng, phát triển Thủ đô văn minh hiện đại và giải quyết được vấn đề sinh kế của người dân hai bên sông.

Bãi giữa sông Hồng liệu có thành công viên?

Vấn đề cải tạo khu vực bãi giữa sông Hồng cũng nằm trong Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng. Đây được coi là đề xuất “táo bạo”.

Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thuộc địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân, với diện tích khoảng 23 hec-ta. Nhiều ý kiến cho rằng, cần mạnh dạn khai thác quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn.

“Nếu được phê duyệt và triển khai sớm, bộ mặt đô thị của phường Phúc Tân sẽ thay đổi hoàn toàn, đời sống dân sinh cũng có bước phát triển mới. Bà con có muốn sửa chữa nhà cửa gì còn được cấp phép xây dựng mới, chứ bao năm nay bà con chỉ được cấp phép xây dựng sửa chữa, giữ nguyên hiện trạng”- ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm nói.

Còn người dân sống trong khu vực này cho biết, khi bãi giữa và hai bên bờ sông Hồng được quy hoạch, chỉnh trang, xây dựng sẽ tạo diện mạo mới hoàn toàn cho khu vực xưa nay vốn nhếch nhác bậc nhất thành phố.

Theo Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, đây là đề xuất có tính pháp lý, kế thừa tất cả các đề án đã có từ trước, nhằm tạo ra sự hấp dẫn mới cho khu vực bờ bãi sông Hồng. Khu vực bãi sông Hồng quỹ đất rất lớn, cần được khai thác. Việc xây dựng công viên văn hóa, du lịch ở bãi giữa sông Hồng không chỉ phục vụ mỗi mục tiêu phát triển kinh tế, mà còn nâng cao chất lượng sống của người dân, đồng thời tạo lập trục cảnh quan mang tính đặc thù của Thủ đô Hà Nội.

“Giải quyết được quỹ đất thế này chúng ta sẽ có đột phá mới về chất lượng sống của người dân và đây là việc nên làm” – ông Nghiêm nói.

Hy vọng tour du thuyền cao cấp trên sông

Đầu tháng 4/2022, tour du thuyền cao cấp trên sông Hồng chính thức được ra mắt.

Với sức chứa tối đa 99 du khách, du thuyền Jade of River đưa du khách thưởng thức khung cảnh sông nước hữu tình và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cây cầu mang đậm dấu ấn lịch sử như cầu Long Biên, cầu Chương Dương… Trong hải trình kéo dài 3 giờ đồng hồ, du khách còn được thưởng thức chương trình âm nhạc sống động và các lựa chọn ẩm thực phong phú.

Theo ông Phùng Quang Thắng – Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, sông Hồng là địa danh có nhiều ý nghĩa với người dân Hà Nội và cả nước, vì vậy phát triển tour du thuyền cao cấp trên sông Hồng là khả thi. Nhiều thành phố lớn và thủ đô các nước trên thế giới đã khai thác thành công sản phẩm du lịch trên sông, tuy nhiên loại hình này chưa phát triển xứng tầm tại Hà Nội.

Thực ra, tour du lịch trên sông Hồng cũng đã từng có, nhưng rồi không duy trì được bao lâu thì đã khép lại. Không phải dòng sông không có gì quyến rũ, mà quan trọng nhất nhất là cách tổ chức, dịch vụ kém nên người dân không quan tâm. Đó là điều rất đáng tiếc với lợi thế của dòng sông kỳ vĩ này.

Nếu so với TP Hồ Chí Minh, Huế thì Hà Nội kém hẳn về việc khai thác du lịch trên sông. Ai đã từng một lần du ngoạn trên sông Sài Gòn thì đều có được cảm giác tốt đẹp và đều muốn có thêm một dịp trở lại. Còn ở Huế, với dòng Sông Hương, du ngoạn trên thuyền từ lâu đã trở thành “đặc sản”.

Vậy, vì sao Hà Nội không làm được điều đó với dòng sông Hồng?

Liệu có lại trễ hẹn?

Nhiều kiến trúc sư cho rằng, nếu Hà Nội mạnh dạn hợp tác đầu tư trên cơ sở quy hoạch thật tốt thì chúng ta cũng sẽ có một khu vực đô thị ven sông sánh ngang sông Hàn ở Thủ đô Seoul (Hàn Quốc), hay giống như đô thị bên dòng sông Seine, chảy giữa thủ đô Paris (Pháp).

Nay, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã có, vấn đề còn lại là tư duy, bản lĩnh, cách làm của lãnh đạo thành phố. Ý kiến lo ngại rồi lại “trễ hẹn” không phải không có lý vì câu chuyện này đã được khơi lên từ gần 30 năm rồi nhưng vẫn không tiến triển là bao. Người Hà Nội sốt ruột được “xem mặt” đô thị hai bên sông Hồng, trong khi khu vực nội đô đã dày đặc kiến trúc, gương mặt thành phố bị cho là “xôi đỗ”, thiếu phong cách riêng.

Một số ý kiến cho rằng, trong việc phát triển hai bên sông Hồng thì mối lo nhất là việc đê điều, an toàn thoát lũ. Tuy nhiên, với khả năng khoa học kỹ thuật, công nghệ như hiện nay thì giới chuyên gia cho rằng đó không còn quá khó để xử lý.

Nói như Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì khi có quy hoạch, Hà Nội có thể phát huy cao nhất những điều kiện thuận lợi của thành phố bên sông cho phát triển đô thị, lập lại trật tự tại khu vực bãi sông vốn đang phát triển tự phát, lộn xộn ở đây. Ðặc biệt, sẽ bảo đảm sinh kế cho hàng triệu người dân sống hai bên sông.

Ông Tùng cho rằng, cần quan tâm đầy đủ tới chế độ thủy văn khắc nghiệt của dòng sông Hồng. Cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch chỉnh trị, ổn định dòng chảy và hành lang thoát lũ. Khi đã đánh giá đúng thì chúng ta có quy hoạch sử dụng mặt nước, đất bãi, khu dân cư, không gian công cộng, không gian xanh… hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật hợp lý, an toàn và bền vững.

Giấc mơ thành phố sông Hồng

Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội), người dân đang trông đợi viễn cảnh sông Hồng trở thành một bộ phận không tách rời của thành phố và làm đẹp cho cảnh quan Hà Nội. Người sống ở hai bên sông (trong vùng quy hoạch) không ai không muốn nơi đây chỉ là phần bên hông của Hà Nội mà là một phần không tách rời của thành phố, được hưởng tất cả những phúc lợi về hạ tầng.

Nguồn: https://ift.tt/dAUt1lF



Dự án xem nhiều:

Có thể bạn sẽ quan tâm:

Bài gốc: Giấc mơ thành phố sông Hồng

Related

Tin tức 2743847794760624683

Xem nhiều

Mới đăng

item
- MENU -