Góp ý Luật đất đai (sửa đổi): Sử dụng thuật ngữ ‘thẩm định giá’ hay ‘định giá tài sản’?

Phát biểu tại hội thảo góp ý dự thảo Luật đất đai sửa đổi, tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Đại học Kinh tế...

Phát biểu tại hội thảo góp ý dự thảo Luật đất đai sửa đổi, tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết hiện nay chưa thống nhất về thuật ngữ thẩm định giá hay định giá tài sản.

Ông Dũng cho biết định giá đất luôn là bài toán không hề đơn giản, việc hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, làm thế nào để mức giá của Nhà nước phản ảnh sát giá thị trường.

Để làm điều đó, cơ chế xác định giá đất cần xem xét hoàn thiện và đổi mới về phương pháp định giá đất cụ thể, phương pháp định giá hàng loạt - đặc biệt khắc phục những tồn tại, hạn chế yếu tố đầu vào của định giá đất và hoàn thiện hệ thống tổ chức định giá đất.

Theo ông Dũng, hiện nay có sự chưa thống nhất về thuật ngữ thẩm định giá hay định giá tài sản. Thẩm định giá được Bộ Tài chính kế thừa từ thuật ngữ của Ban Vật giá Chính phủ chuyển về khi sáp nhập với Bộ Tài chính thành Cục quản lý giá. Trong khi Luật kinh doanh bất động sản, Luật đất đai và các văn bản dưới hai luật này đều sử dụng thuật ngữ định giá bất động sản, định giá đất.

"Tất cả các nước trên thế giới đều sử dụng thuật ngữ định giá tài sản. Điều này được thể hiện trong tiêu chuẩn và chuẩn mực định giá tài sản của thế giới, của từng khu vực và từng nước đều sử dụng thuật ngữ định giá tài sản.

Thuật ngữ thẩm định giá nghĩa là định giá lại, đánh giá lại. Nếu định giá tài sản lần đầu, theo ngôn ngữ chung thì không bao giờ gọi là thẩm định giá. Do vậy dùng thuật ngữ định giá là chuẩn xác. Bởi một tài sản có thể định giá lần đầu hoặc định giá lại.

Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, do vậy trong các văn bản pháp quy cần sử dụng thống nhất thuật ngữ là định giá tài sản", ông Dũng lập luận.

Góp ý Luật đất đai (sửa đổi): Sử dụng thuật ngữ ‘thẩm định giá’ hay ‘định giá tài sản’? - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội thảo: - Ảnh: QUANG THẾ

Ngoài ra ông Dũng cho rằng cần tách bạch giữa cơ quan quản lý Nhà nước về mặt hình thái vật chất của đất đai (cơ quan quản lý đất đai) với cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính đất đai nhằm thống nhất quản lý về giá đất, chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước, tư vấn định giá đất và các loại thuế, phí liên quan đến đất đai...

Theo ông Dũng, trước Luật đất đai năm 2013 đã tách bạch giữa cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai với cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính. Từ Luật đất đai năm 2013 thực hiện chuyển nội dung về giá đất sang cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai. Việc giao cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai chủ trì trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao, cấp đất và chủ trì trong cả nội dung xác định giá đất dễ phát sinh tiêu cực, không khách quan.

"Hiện nay cơ quan tài chính đang thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quản lý các loại thuế, phí, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước. Do vậy, cần thống nhất công tác quản lý giá gắn với cơ quan tài chính nhằm đảm bảo thực hiện tốt chính sách về tài chính đất đai...", ông Dũng nói.

Theo kế hoạch, dự án Luật đất đai sửa đổi sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022), cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023).

Related

Tin tức 2182560915208085583

Xem nhiều

Mới đăng

item
- MENU -